Open Banking – Nhân tố thay đổi cuộc chơi ngành Ngân hàng

Open Banking

Open Banking – Nhân tố thay đổi cuộc chơi ngành Ngân hàng

Ngân hàng mở (Open Banking) – Cuộc cách mạng đang diễn ra trên khắp thế giới và sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi ngành Ngân hàng, đem đến sự linh hoạt, thông minh cho các hoạt động tài chính, thân thiện hơn với khách hàng thế hệ Millennials và thế hệ Z – thế hệ hiện tại và tương lai của tiêu dùng thế giới. Cùng với đó, ứng dụng giao diện lập trình mở Open API cũng đang là từ khóa hot được giới công nghệ, hoạch định chính sách Tài chính – Ngân hàng đặc biệt quan tâm.

API, Open API là gì?

Theo Daniel Jacobson, Greg Brail và Dan Woods trong cuốn sách “A Strategy Guide: Creating Channels with Application Programming Interface”, API được hiểu là “phương thức để các ứng dụng trên nhiều máy tính khác nhau sử dụng cùng một ngôn ngữ trong việc trao đổi dữ liệu qua hạ tầng mạng”. Với API, các tổ chức, doanh nghiệp không phải lãng phí thời gian và tài nguyên để tìm phương pháp tích hợp, kết nối riêng lẻ. Thay vào đó, các ứng dụng có chung một ngôn ngữ để chia sẻ, kết nối và trao đổi dữ liệu liên thông. 

Theo tổ chức McKinsey, API được chia làm 3 dạng: API nội bộ được sử dụng trong khuôn khổ của doanh nghiệp, tổ chức; API đối tác để trao đổi dữ liệu với những đối tác quan trọng nhằm đẩy mạnh kết nối, và API công khai – còn gọi là API mở là giao thức được dùng để chia sẻ dữ liệu hoặc tính năng với các bên thứ ba. 

SAVIS Open Banking

Open API là một tiêu chuẩn mới, còn được biết với tên Restful API. Chúng cho phép người dùng tích hợp ứng dụng thông qua nhiều loại ngôn ngữ lập trình khác nhau, bao gồm cả những ngôn ngữ lập trình trong quá khứ – đã bị lãng quên bởi các nhà lập trình và kỹ sư phần mềm.

Các ngôn ngữ lập trình cũ rất khó để tích hợp bởi các API thường không tồn tại vào thời điểm đó. Với Open API có khả năng xử lý những ngôn ngữ lập trình đã lỗi thời đó, người dùng sẽ giảm tối đa các rào cản và rủi ro mất dữ liệu từ các ứng dụng không còn được hỗ trợ.

Open Banking – Ngân hàng mở là gì?

Cũng theo McKinsey, Ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình thống nhất cho phép chia sẻ dữ liệu tài chính giữa hai hoặc nhiều bên thứ ba thông qua API. Ngân hàng mở tạo ra cơ hội để hình thành các dịch vụ tài chính và phi tài chính tích hợp đa dạng. Người dùng có thể tiếp cận với nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính liên thông trực tiếp với cơ sở dữ liệu tài chính của các ngân hàng. Trên lý thuyết, ngân hàng mở cho phép kết nối không giới hạn các nhà cung cấp sản phẩm – dịch vụ với hệ thống tài chính truyền thống.

Sự ra đời các bộ luật về Ngân hàng mở – Open Banking

Những lợi ích của mô hình Ngân hàng mở đã thúc giục các Chính phủ cho ra đời những tiêu chuẩn và các quy định liên quan. Cụ thể, PSD2 – Chỉ thị về thanh toán điện tử sửa đổi của liên minh Châu Âu bao gồm các điều khoản, quy định giúp định hình vai trò, trách nhiệm cũng như hoạt động của Ngân hàng mở. 

Những quy định về Ngân hàng mở này là động cơ để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức – doanh nghiệp ngoài ngân hàng tham gia vào sân chơi tài chính. Các chuyên gia dự đoán số lượng người dùng tham gia vào hệ sinh thái Ngân hàng mở sẽ vượt 40 triệu người cuối năm 2021, với lưu lượng giao dịch vượt ngưỡng 9 tỷ USD trước năm 2024.

SAVIS Open Banking
Sự phát triển của API Banking trong năm 2020 – Nguồn: Platformable

Phá vỡ thế bị động của Ngân hàng với Ngân hàng mở – Open Banking

Cụm từ “ngân hàng mở” đã được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông như một viễn cảnh thiên đường – nơi mà các ngân hàng và các tổ chức Fintech cùng hợp tác phát triển vì lợi ích chung của người sử dụng. Tuy nhiên, hệ sinh thái ngân hàng mở vẫn chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, ngay cả tại Lục địa già – nơi khai sinh và phát triển công nghệ ngân hàng mở mạnh mẽ nhất. Thực tế cho thấy, giai đoạn hiện tại của ngân hàng mở tại châu Âu được thúc đẩy bởi quy định pháp luật, chưa phải vì lợi ích sản phẩm. Các ngân hàng buộc phải cung cấp Open API theo lộ trình chuyển đổi đặt ra bởi quy định PSD2 thay vì một động lực mạnh mẽ vì lợi ích chung của thị trường.

Tại Châu Âu, PSD2 định hình rõ hai vai trò mới: Nhà cung cấp dịch vụ quản lý thông tin tài khoản (Account Information Service Providers – AISP) và Nhà cung cấp dịch vụ khởi tạo thanh toán (PISP). Các ngân hàng truyền thống phải cho phép những Nhà cung cấp dịch vụ nói trên truy cập dữ liệu tài chính của khách hàng và thực hiện ủy nhiệm chi. Mặc dù PSD2 ra đời với mục đích cải thiện sự minh bạch và tạo sân chơi mới cho những tổ chức, doanh nghiệp phi Ngân hàng, những quy định mới này cũng mang tới nhiều mặt trái:

  • Dịch vụ đối phó: thị trường ngân hàng mở vô hình trung đang định hướng ngành tài chính tới các dịch vụ “phải” có, thay vì các dịch vụ “có thể làm được”.
  • Lợi ích quá nhỏ: các ngân hàng phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ để phát triển và công khai API theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, các API này hầu như chưa đem lại lợi nhuận hay doanh thu trực tiếp trong ngắn hạn, khiến các tổ chức tài chính e ngại.
  • Tính ổn định thấp: sự do dự, e ngại của các ngân hàng dẫn tới dấu hỏi lớn về chất lượng của các API. Theo thống kê của Open Banking Limited, trong tháng 5 năm 2020, thời gian trung bình gặp lỗi của các API từ Ngân hàng tại Anh là hơn 8 tiếng. Trong khi đó, các nhà cung cấp API chuyên nghiệp cho thanh toán như Stripe chỉ bị gián đoạn dịch vụ không đến 2 tiếng. 

Mặc dù các quy định về pháp lý là đòn bẩy cần thiết, lợi ích kinh tế mới là thông điệp then chốt để mở ra sự phát triển, cạnh tranh về chất lượng API. Chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đang đẩy mạnh Open Banking nhờ việc ban hành một khung tiêu chuẩn chung mà không có bất cứ yêu cầu bắt buộc nào về tiêu chí kỹ thuật. Điều này cho phép các ngân hàng đa dạng hóa Open API và phát triển các Open API phục vụ lợi ích kinh tế. Theo Báo cáo bởi EY về các Ngân hàng của Singapore: “Các ngân hàng đang tập trung sử dụng API để thúc đẩy hợp tác liên ngành và tạo nên hệ sinh thái dịch vụ tài chính hợp nhất”.

SAVIS Open Banking
Open API là nhân tố không thể thiếu để kết nối và hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ tài chính số – Theo Jon Schele

Các tổ chức phát triển – cung cấp và thương mại hóa API cần thay đổi cách tiếp cận 

Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần nhận thức giá trị của API như một mặt hàng có thể thương mại hóa, mở rộng dịch vụ, hoặc tạo hệ sinh thái dịch vụ. Tại Phần Lan, Ngân hàng OP phát triển API cho tất cả các sản phẩm ngành ngân hàng, kể cả dịch vụ quản lý tài chính. Dựa trên các API, Ngân hàng OP tiên phong ra mắt dịch vụ hoàn tiền ngay lập tức (thay vì quy trình kéo dài đến vài tuần), từ đó mở rộng tập khách hàng doanh nghiệp.

Tóm lại, Ngân hàng mở – Open Banking là xu hướng tất yếu, là tương lai gần của ngành Tài chính – Ngân hàng. Ngân hàng mở muốn phát triển tốt, bên cạnh nhân tố dẫn đường là cơ chế, chính sách thì cần giải quyết được bài toán lợi ích: các khoản đầu tư của Ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để đáp ứng yêu cầu pháp lý về Open API cần có khả năng sinh lời, phát triển tốt hệ sinh thái tài chính mở rộng. Từ đó, các tổ chức tài chính có thể nắm bắt thời cơ trên thị trường và ra mắt các sản phẩm đột phá dựa trên Open API, phá vỡ cấu trúc bị động và triển khai Microservice để nhanh chóng thích ứng với bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường và giành được lợi thế cạnh tranh.

Nhóm Open Banking – Công ty CP SAVIS

Xem thêm:

Mô hình Ngân hàng Mở hiện đại – cuộc đua tới vị trí dẫn đầu

Neo Bank – Tái định hình ngành Tài chính – Ngân hàng

Gian lận tín dụng – Nghề “lừa” thời 4.0

Tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trong giao dịch điện tử và thanh toán trong giao dịch Ngân hàng (Phần 3)

Nếu bạn là một khách hàng khối Tài chính – Ngân hàng? Hay một technician luôn yêu thích công nghệ và có những mong muốn được trao đổi, chia sẻ về những chuyển biến mới nhất của Ngân hàng Mở tại Việt Nam và trên thế giới? Open Banking Magazine số đầu tiên do đội ngũ chuyên gia từ SAVIS lên ý tưởng đã chính thức được xuất bản theo dạng online, đón đọc tại:  https://issuu.com/savisgroup/docs/open_banking_21012021-___n_n

Share this post


Contact Me on Zalo