Khái niệm về Ngân hàng Mở (Open Banking) và những đóng góp lớn trong năm 2020
Cuộc cách mạng Fintech là một xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ và không khoan nhượng. Những công nghệ mới hiện đang tạo nên một cuộc cách mạng về cách thức vận hành bộ máy tài chính, sáng tạo các dịch vụ với chi phí hợp lý, hiệu quả và có ảnh hưởng sâu rộng. Điều này đặc biệt đúng với lĩnh vực ngân hàng nhờ sự phát triển của mô hình Ngân hàng Mở cho phép chia sẻ dữ liệu nhằm mang tới hệ sinh thái dịch vụ, sản phẩm phong phú nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Open Banking
Open Banking là gì?
Theo truyền thống, các ngân hàng sẽ lưu mọi dữ liệu giao dịch và thông tin tài khoản của khách hàng vì lý do bảo mật. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính và các công ty công nghệ đã nhận ra lợi ích trong việc cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các bên thứ ba nhằm mang lại giá trị cho khách hàng. Điều này bao gồm khả năng truy cập nhanh chóng và dễ dàng các thông tin tài chính trong khi vẫn đảm bảo tính riêng tư và bảo mật. Mô hình cho phép chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba này còn được gọi là “Open Banking” – Ngân hàng Mở.
Các phương thức chia sẻ dữ liệu trước đây từ các ngân hàng thường là tự động thu thập thông tin tại giao diện người dùng, đòi hỏi phải điền thông tin tài khoản (ID/Password) cho từng dịch vụ từ bên thứ 3. Cách thức chia sẻ dữ liệu này thường không đáng tin cậy, mang tới nhiều rủi ro về an ninh bảo mật đối với người dùng nói chung và các tổ chức nói riêng.
Trong khi đó, công nghệ chủ yếu sử dụng trong Ngân hàng Mở là Giao diện lập trình ứng dụng (API). Đây là cơ chế cho phép các bên thứ ba quyền truy cập dữ liệu tài chính. Thông qua việc sử dụng API, toàn bộ hệ sinh thái gồm ngân hàng và các nhà cung cấp bên thứ ba tin cậy có thể phục vụ khách hàng của mình một cách tối ưu.
Open Banking và những đóng góp lớn trong năm 2020
Tài sản giá trị nhất trên thế giới hiện nay chính là dữ liệu và dữ liệu tài chính là thứ mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn sở hữu. Những dữ liệu này cung cấp thông tin về lịch sử chi tiêu tài chính, gửi tiết kiệm, thậm chí là xử lý nợ tồn đọng của cá nhân hay tổ chức.
Một người dùng thông thường sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng và tín dụng. Trước đây, để có bức tranh tổng thể về tình hình tài chính, người dùng thường phải tổng hợp tất cả thông tin về chi tiêu cũng như tài chính một cách thủ công. Trong khi đó, Open Banking cho phép dịch vụ của các bên thứ ba truy cập và tổng hợp dữ liệu tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, nhờ đó người dùng có thể phân tích thu chi để hoạch định ngân sách dễ dàng hơn.
Bằng việc tận dụng những lợi ích từ Open Banking, các dịch vụ tài chính có thể cung cấp những sản phẩm phù hợp với chất lượng tốt hơn, như thẻ tín dụng hoặc tài khoản tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn. Các dịch vụ ngân hàng khác như vay vốn hay phê duyệt khoản vay nhờ đó cũng có thể được xác nhận nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Tất cả những lợi ích mà Open Banking mang lại sẽ giúp cả 3 bên Ngân hàng – Tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính – Khách hàng tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian. Tại Anh quốc, theo ước tính, Open Banking có thể giúp khách hàng và doanh nghiệp tiết kiệm tới 18 tỷ bảng Anh mỗi năm.
Open Banking và những tác động tích cực tại châu Âu
Châu Âu đã nghiên cứu và đưa ra khung tiêu chuẩn chung để có thể quản lý và giám sát các tổ chức ứng dụng Open Banking. Năm 2018, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng Chỉ thị Thanh toán Điện tử sửa đổi lần 2 (PSD2), bộ luật được soạn thảo nhằm hợp thức hóa quyền truy cập vào dữ liệu tài chính của Khách hàng.
Tuân thủ PSD2 đồng nghĩa với việc các ngân hàng bắt buộc phải cho phép người dùng truy cập dữ liệu tài chính cá nhân, cũng như cung cấp quyền truy cập những thông tin này cho các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba. Với thực trạng ngày càng nhiều dữ liệu tài chính được truy cập và cung cấp ra ngoài, PSD2 yêu cầu ngân hàng phải thực hiện những phương thức xác thực mạnh nhằm đảm bảo an ninh, bảo mật trực tuyến tốt nhất cho khách hàng
(Xem thêm: Giải pháp chống giả mạo danh tính trong giao dịch Tài chính – Ngân hàng)
Thông qua quy định bắt buộc chia sẻ dữ liệu, PSD2 được mong đợi sẽ gỡ bỏ rào cản cho các tổ chức bên thứ ba tham gia vào thị trường tài chính. Liên minh châu Âu nhận định: “PSD2 ra đời với mục đích tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính nói chung và đối với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán nói riêng – bao gồm cả những tổ chức Fintech và các doanh nghiệp mới tham gia cuộc chơi – đóng góp vào một thị trường thanh toán châu Âu thống nhất và hiệu quả hơn”. Đồng thời EU khẳng định rằng những quy định mới này sẽ tạo điều kiện tối đa cho sự đổi mới, tăng tính cạnh tranh trong thị trường thanh toán trực tuyến
Từ những yêu cầu phải thay đổi trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng tại châu Âu, tổ chức gồm những chuyên gia về Open Banking và những tiêu chuẩn pháp lý liên quan tại châu Âu (OBE) đã bắt tay vào hiện thực hóa Open Banking. OBE cung cấp những nguồn tài nguyên và công cụ cho các nhà phát triển phần mềm và tổ chức tài chính như Bank API Directory – Danh sách những APIs hiện được các ngân hàng sử dụng. Dự án có sự tham gia của các tổ chức tài chính hàng đầu như Citibank, Bank of America, Danske bank, Deutsche Bank, HSBC,…
Những tổ chức dẫn đầu
Một vài tổ chức, doanh nghiệp đang dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Open Banking bởi khả năng chia sẻ dữ liệu liên thông tạo đã điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành Ngân hàng. Theo khía cạnh kỹ thuật, các dịch vụ mới đang được xây dựng để các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tích hợp sản phẩm với dữ liệu tài chính và thanh toán ngân hàng. Yapily, một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ tài chính, nhờ đó đã tiếp cận với công cụ tích hợp hơn 250 triệu tài khoản ngân hàng vào sản phẩm của họ.
Dự án Open Bank Project (OBP) là một hội đồng với sự tham gia của hơn 11.000 nhà phát triển phần mềm và các công ty fintech cùng hướng tới một mục tiêu tạo ra nguồn dữ liệu tài chính xuyên suốt và an toàn.
“OBP cung cấp một môi trường triển khai thử nghiệm thực tế (sandbox) toàn diện và khép kín trên nền tảng cloud hoặc on-site. Môi trường Sandbox cho phép các ngân hàng cung cấp cơ sở để khách hàng thử nghiệm, hoàn toàn tách biệt với môi trường triển khai thực tế (điều kiện lý tưởng cho hackathons và prototyping). Môi trường này bao gồm hơn 250 API được tạo sẵn để lựa chọn – ví dụ API để truy cập các tài khoản, giao dịch ngân hàng, thanh toán, KYC,…
Rủi ro và những quy định pháp lý
Từ trước đến nay, người dùng thường không chấp nhận chia sẻ thông tin ngân hàng cá nhân, bởi e ngại rủi ro về bảo mật – an toàn thông tin luôn thường trực khi mà hàng loạt các cuộc tấn công vào dữ liệu tài chính và ngân hàng ngày một gia tăng trong những năm gần đây. Điều này khiến cho việc thay đổi hành vi người dùng chính là một khó khăn lớn khi triển khai Open Banking.
Hệ thống ngân hàng cần có những chiến lược cụ thể để nâng cao nhận thức của người dùng về tính an toàn cũng như lợi ích họ nhận được khi chấp nhận chia sẻ dữ liệu. Theo tổ chức The Institute of International Finance:
Thông điệp mà người dùng được nghe từ trước đến nay là không nên chia sẻ, không nên cung cấp thông tin của bạn nếu không muốn bị đánh cắp dữ liệu – chính là rào cản lớn đối với sự phát triển của thị trường dữ liệu mở Open Data. Vì thế, việc giáo dục thị trường, thay đổi nhận thức người dùng về bài toán lợi ích – rủi ro họ nhận được khi cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu tài chính cá nhân sẽ đóng vai trò then chốt để hiện thực hóa Ngân hàng mở.
Khi so sánh với các phương thức thu thập dữ liệu truyền thống, Open Banking thể hiện thế mạnh khi cung cấp các tính năng bảo mật nâng cao và khả năng mở rộng linh hoạt. Với Open Banking, mật khẩu của các tài khoản sẽ không được chia sẻ cho các bên thứ ba cùng với một cơ chế giám sát, kiểm soát thông tin minh bạch, chặt chẽ.
Một hệ thống dữ liệu mở sẽ không thể mang lại những lợi ích tối ưu nếu không có bất kỳ ai tham gia. Người dùng cần nhận thức rõ những lợi ích mà họ nhận được từ Ngân hàng Mở, nếu không chính họ sẽ từ chối chia sẻ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà các tổ chức tài chính, các công ty fintech cam kết đem lại những giá trị lâu dài cho khách hàng từ Open Banking.
Áp lực đối với các ngân hàng truyền thống
Kể từ Khủng hoảng tài chính năm 2008, cái nhìn của khách hàng đối với các ngân hàng truyền thống ngày càng trở nên tiêu cực. Với sự ra đời của Open Banking, các nguồn tài chính thay thế hiện đang phát huy hiệu quả cao với chi phí hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt hơn cho cả người dùng và doanh nghiệp. Nhờ Open Banking, những trải nghiệm ngân hàng vốn từng rất “đơn điệu” và tốn kém đang bắt đầu khởi sắc và có nhiều biến chuyển tích cực.
Những thay đổi trên đã ngay lập tức đặt áp lực lớn lên các ngân hàng truyền thống, bắt buộc phải đưa ra những thay đổi để cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người dùng, giảm thiểu chi phí và mang tới những giá trị mới mẻ cho khách hàng.
Nếu bạn là một khách hàng khối Tài chính – Ngân hàng? Hay một technician luôn yêu thích công nghệ và có những mong muốn được trao đổi, chia sẻ về những chuyển biến mới nhất của Ngân hàng Mở tại Việt Nam và trên thế giới? Open Banking Magazine số đầu tiên do đội ngũ chuyên gia từ SAVIS lên ý tưởng đã chính thức được xuất bản theo dạng online, đón đọc tại: https://issuu.com/savisgroup/docs/open_banking_21012021-___n_n